Chụp ảnh phơi sáng là thể loại nhiếp ảnh thú vị. Dù chỉ đơn giản là giảm tốc độ màn trập xuống một cách hợp lý để tạo hiệu ứng lạ mắt, nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và tuân thủ một vài nguyên tắc, chúng ta sẽ có những bức ảnh phơi sáng ấn tượng hơn.
Phơi sáng là kỹ thuật chụp mà người chụp sẽ kéo dài thời gian cho cảm biến tiếp xúc với ánh sáng, qua đó tạo được một bức ảnh đủ sáng mà lại có những hiệu ứng đặc biệt, đẹp mắt.
Giá trị sáng trong mỗi bức ảnh là kết quả của việc kết hợp ba yếu tố là độ nhạy sáng của phim - cảm biến (ISO), khẩu độ ống kính và thời gian phơi sáng. Nếu như việc tăng giảm ISO ảnh hưởng đến độ nhiễu hoặc mịn của bức ảnh, tăng giảm khẩu độ dẫn đến việc ảnh nét sâu, nét nông (hay xoá phông), thì thời gian phơi sáng sẽ mang đến những bức ảnh có thể “bắt đứng” hoặc “làm nhoè” chuyển động.
Tuỳ trường hợp mà người dùng sẽ chọn “bắt đứng” hoặc “làm nhoè”, chẳng hạn như chụp thể thao, chụp động vật thì việc chủ thể bị “đóng băng” trong khung hình là điều cần thiết. Trong những trường hợp này thì tốc độ chụp thường rơi vào khoảng 1/500, 1/1000 giây hoặc ngắn hơn nữa.
Không có một tốc độ nào được quy ước cho thể loại ảnh phơi sáng, nhưng thông thường, ảnh phơi sáng thường có tốc độ chụp khoảng trên 1/10 giây, thậm chí kéo dài đến vài phút, vài giờ tuỳ thuộc bối cảnh cũng như khả năng của thiết bị. Kỹ thuật phơi sáng thường được dùng để ghi lại cảnh xe cộ đi lại tạo thành các vệt sáng dài, thác nước, pháo hoa… và còn rất nhiều trường hợp khác tuỳ thuộc sự sáng tạo của người chụp.
Thế nhưng khác với việc chỉnh khẩu độ và ISO (người dùng đơn giản là chỉ cần xoay vòng chỉnh trên thân máy), việc chụp ảnh phơi sáng yêu cầu bạn cần lưu ý nhiều yếu tố, nếu không muốn thành quả của mình là một bức ảnh nhoè nhoẹt, lem nhem.
1. Chuẩn bị đồ nghề
Không thể phủ nhận có những người có thể chụp ảnh phơi sáng mà chẳng cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, chỉ cần tay và máy, tuy nhiên nếu thực sự nghiêm túc với thể loại ảnh này, bạn nên trang bị cho mình những thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cơ bản dưới đây:
Máy ảnh có khả năng chỉnh tốc hoặc chụp liên tiếp
Hầu hết loại máy ảnh hiện nay đều đã cho phép điều chỉnh tốc độ chụp (chế độ S hoặc M), thậm chí nhiều điện thoại hiện nay của Microsoft, HTC hay Oppo... cũng có chế độ này. Nếu không thể phơi sáng, bạn cũng có thể chọn cách chụp liên tiếp, sau đó dùng phần mềm ghép lại (phơi sáng giả). Máy ảnh có khả năng hẹn giờ chụp cũng là một điểm cộng lớn cho việc chụp ảnh phơi sáng.
Chân máy
Chân máy là thiết bị bắt buộc đối với chụp ảnh phơi sáng. Bất cứ rung động nhỏ trong quá trình chụp cũng có thể khiến bức ảnh bị nhoè mờ, chính vì vậy khó mà dùng tay để giữ máy nếu cần phơi sáng dài được. Chúng ta nên chọn chân máy gọn nhẹ, chắc chắn để tiện di chuyển và cũng tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như gió thổi, tay bấm.
Kính lọc
Không ít trường hợp người dùng cần phơi sáng trong một thời gian rất dài. Dài đến mức mà các giới hạn tối thiểu về khẩu độ cũng như độ nhạy sáng vẫn không thể giúp bức ảnh không bị dư sáng. Một ví dụ dễ thấy nhất của việc này phơi sáng ban ngày, chẳng hạn như phơi thác nữa, sóng biển, hồ nước… Khi đó, các kính lọc có tác dụng giảm lượng ánh sáng đi vào (filter ND) sẽ là thiết bị giúp ích đắc lực cho người chụp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trang bị cho mình một vài dụng cụ hỗ trợ đơn giản nhưng hữu ích khác như điều khiển từ xa, màn đen chắn sáng. Đây là những dụng cụ rất có ích cho việc chụp ảnh pháo hoa, giúp người chụp có thể căn được thời gian bấm máy chuẩn, không sợ rung máy khi bấm chụp hoặc thu được những khoảnh khắc không cần thiết.
2. Chọn bối cảnh
Bối cảnh của việc chụp phơi sáng rất đa dạng. Bất cứ khung cảnh nào khi chụp phơi sáng cũng có thể mang lại những kết quả khá bất ngờ. Tuy nhiên, người ta thường chọn phơi sáng những bối cảnh có chuyển động một cách tuần hoàn hoặc liên tục để có thể phơi thoả mái mà kết quả cũng ảo diệu hơn. Ngay cả với những cảnh vật không chuyển động, trong điều kiện ánh sáng cực yếu, nếu không muốn tăng ISO làm bức ảnh bị nhiễu thì phơi sáng cũng là một cách để có một bức ảnh “đủ sáng” và nhìn được.
Nếu đó là bối cảnh tự nhiên, chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy một cảnh đẹp và muốn ghi lại chứ không hề có sự sắp sếp, ví dụ như chụp ảnh pháo hoa, chụp ảnh thác nước, đường đi… Hãy chú ý vào những yếu tố động và tĩnh.
Những vật thể chuyển động chính là cái mà chúng ta mong muốn, nhưng hãy nhớ rằng chuyển động có tính tương đối, nghĩa là nó chỉ chuyển động nếu so với những thứ đứng yên. Người chụp cần quan sát để có thể lựa chọn đối tượng chụp phù hợp, không nên quá xa đà vào nhiều vật thể di chuyển. Không bắt buộc, nhưng trong ảnh nên có những vật thể đứng yên để chúng làm nổi bật nhau lên, mang lại bức ảnh có cảm xúc hơn. Một vài ví dụ thực tế mà có thể bạn đã bắt gặp:
- Giữa một dòng người đông đúc đi lại, có một người đứng yên, trầm tư.
- Dòng xe đi lướt qua tạo nên các vệt sáng, nhưng cây cối, nhà cửa đứng yên.
- Dòng nước chuyển động mờ ảo, nhưng xen lẫn là những con thuyền, bãi đá đứng yên.
Sáng tạo hơn, chúng ta còn có thể tự tạo ra những bối cảnh của riêng mình, do chính mình sắp xếp. Điển hình của việc này là dùng steel wool tạo vòng trong lửa, dùng đèn để vẽ tên… Bối cảnh của những thể loại này thì không quá phức tạp, vì nhân vật chính chính là những vòng lửa.
3. Kỹ thuật phơi sáng
Nói về kỹ thuật chụp ảnh, chẳng có lý thuyết nào bằng việc chính các bạn thực hành cả. Thế nên kỹ thuật phơi sáng cũng vậy. Hãy thực hành thật nhiều, bất cứ cảnh vật nào cũng có thể thật khác lạ và mang đến cảm giác mới mẻ với kiểu chụp này.
Thể loại ảnh phơi sáng chú trọng nhiều vào tốc độ chụp, hai yếu tố còn lại là ISO và khẩu độ, chúng ta nên để chúng ở mức nhỏ nhất có thể để được thoải mái điều chỉnh hơn. Việc phơi sáng 1-2 giây hay vài phút sẽ mang đến những kết quả cực kỳ khác nhau, qua đó người chụp sẽ nắm được cách kết hợp giữa thời gian, khẩu độ, ISO một cách hợp lý hơn.
Một trong những rắc rồi mà người chụp ảnh phơi sáng thường gặp phải, đó chính là việc sáng không đều giữa các phần trong bức ảnh. Để khắc phục vấn đề này thì chúng ta có thể sử dụng kính lọc theo vùng (filter GND) hoặc chụp hai bức ảnh khác nhau rồi ghép làm một.